Cồn Sơn có gì lạ?

Mấy ngày này, từ những đoạn clip “Đám giỗ bên cồn” của kênh TikTok Lê Tuấn Khang đã tạo thành trend rầm rộ trên mạng xã hội thu hút hàng triệu người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Vậy bên cồn có gì vui, có gì lạ hay ‘Đám giỗ bên cồn’ có gì thú vị. Xin giới thiệu về cồn Sơn – một cồn nằm trên dòng sông Hậu cũng có nét tương đồng với cồn mà TikTok Lê Tuấn Khang quê Sóc Trăng đề cập trong clip để cùng khám phá?

Cồn Sơn cũng chỉ là một cái cồn nằm cheo leo giữa bốn bề sông nước như biết bao cồn khác ở ĐBSCL với cảnh vật, con người sinh sống trên đó. Nhưng vì sao cồn Sơn trong vài năm đã thu hút lượng khách du lịch đông đảo và ngày một phát triển là điều khiến nhiều người tò mò, muốn lý giải. Thật ra, cũng chắng có cao siêu hay bí quyết gì ở đây cả, mà bởi vì, nơi đây còn hội tụ cách sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Họ canh tác vần công qua lại mang đậm nét Nam bộ. Chính cộng đồng gắn kết đã tạo nên một cồn Sơn không thể pha lẫn vào đâu được.

Khách tham quan cồn Sơn

Cồn Sơn nằm gần bờ Nam sông Hậu (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), không gian yên tĩnh với bốn bề sông nước. Người cồn Sơn vẫn mang đậm nét bình dân Nam bộ, làm hiển hiện những giá trị tâm hồn, sự yêu thương dành cho du khách.

Ở cồn Sơn người dân chỉ đi bộ, xe đạp hoặc đi bằng xuồng, ghe, nhà này cách nhà kia khá xa. Đường bê tông xen lẫn đường đất và cầu khỉ giữa mướt xanh hoang sơ trên bờ, dưới nước. Gần đây mới có người đi xe gắn máy.

Khách trải nghiệm đi cầu khỉ ở cồn Sơn

Vùng đất cồn còn khá hoang sơ, người dân chân tình, giản dị và mang tính cộng đồng rất cao. Đó chính là sự khác biệt để thu hút khách so với nhiều nơi khác. Tính cộng đồng thể hiện ở chỗ khi khách đến ăn tại nhà dân, nhưng không phải một nhà làm ra đủ các món mà mỗi nhà làm một món rồi mang đến. Cụ thể như nhà Chính Nhỏ nấu ếch xào, nhà vườn Song Khánh nấu lẩu cua đồng, cá lóc nướng trui; nhà vườn Năm Công nấu lẩu ốc, bồ câu nước dừa; hay chị Năm Minh làm bánh xèo, bánh khọt… Đến nay, đã có trên gần 30 gia đình hợp tác với nhau, phát huy thế mạnh từng nhà để phục vụ theo đơn hàng, không cạnh tranh nhau.

Chị Lê Thị Bé Bảy, người sáng lập hoạt động du lịch ở cồn, nói rằng, người Cồn Sơn còn giữ được nét Nam bộ xưa, nơi đây được xem là trao gửi giá trị tâm hồn, sự yêu thương đoàn kết đối với du khách. “Cồn Sơn còn hội tụ cách sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, câu nói mộc mạc “Chèn ơi..” phổ biến trong cuộc sống, gắn kết nhau đã tạo nên một cồn Sơn không thể pha lẫn vào đâu được”, nghệ nhân Bé Bảy nói.

Du lịch cồn Sơn là chuỗi mắt xích liên hoàn không thể tách rời, không thể thiếu cái bè cá của anh Bảy Bon, bánh dân gian bà Bảy Muôn. Nếu có các loại bánh dân gian của chị Bảy thì cũng không thể thiếu được món cá tai tượng của chị Năm…

Hướng dẫn viên bản địa trên cồn phục vụ khách du lịch

Đến cồn Sơn, khách nghe rặt lối nói Nam bộ xưa của người dân: “Í chèn ơi mới qua đó hả, ăn uống gì chưa”. Một Việt kiều ở California (Mỹ) trong lần đến cồn Sơn cảm thấy thú vị khi nghe lại câu này. Vị khách này cho biết, mấy chục năm trở về quê hương mới có cảm giác thoải mái, yên bình khi về với ruộng đồng, vườn cây và tình người ở đây. “Đó là cách mình đang bán cảm xúc cho người tiếp nhận. Chính điều đó mới giữ khách đến cồn Sơn”. Nghệ nhân Bé Bảy “kết” câu chuyện về bà Việt kiều và dẫn chứng: Có lần cô Natali người Colombia, hay anh một Việt kiều New Zealend đến cồn Sơn du ngoạn, ngủ lại và tìm hiểu cuộc sống, trải nghiệm làm bánh, sinh hoạt… cùng người dân. Sau đó, mỗi lần đi công tác đến Cần Thơ là hai người lại đến cồn, tính ra cũng 5 – 6 lần. “Thiên nhiên cồn Sơn không đẹp như người ta tưởng nhưng cái đẹp thuộc về tình người. Hơn nữa, chỉ có con người mới kéo họ đến nhiều như thế chứ chỉ đẹp về thiên nhiên thì họ đến một lần là thôi”, nghệ nhân Bé Bảy khẳng định.

Trò chuyện hồi, cô nhớ lại ở quê mình xưa cũng vậy, cũng có bờ cây, con sông yên bình như thế. Nhớ ngày xưa trên mái hiên nhà, ngồi uống nước dừa. “Cái đầu tiên là nhìn thấy được sự thân thiện đó và ký ức của mình nghĩ, giữa dòng sông như thế, bước qua bên này là đô thị nhộn nhịp thì ở đây lại như vậy. Con người cách sống khác hoàn toàn”.

Trong lần khác, chị Bé Bảy kể, được gia đình chị Năm Phước đưa ra khỏi con rạch bằng ghe máy, khi bước xuống ghe, tiếng máy nổ lên mà ngồi không cầm được nước mắt. Chị nhớ lại ngày xưa vào khoảng những năm 1995, ở quê lục đục đi chợ giữa khuya nhưng bơi bằng dầm, về sớm giữa dòng sông. Chị cảm nhận bằng cả ký ức của mình rồi thốt lên: “Trời! Biết đâu mình lại giới thiệu được với khách”. Đến hôm rước người khách đầu tiên, vị khách ấy tự đi suốt cả ngày hái rau, trái cây… rồi cân ký nhưng lại hoàn toàn thuyết phục người khách ấy. Thật ra mình không làm du lịch mà mình bán công sức, đơn giản nhưng họ đồng ý, cảm nhận được sự cuốn hút của cồn, từ đó đã thôi thúc làm”, chị Bé Bảy tâm sự.

Bữa cơm ‘rà’ của người dân trên cồn Sơn

Đến thời điểm hiện tại, cồn Sơn thành công là giữ được nét hoang sơ và mộc mạc nhất của con người. Những người khách đến đông không kịp rửa chén, khách sẵn sàng chia ra phụ giúp. Họ đến để cảm và sẵn sàng bỏ ba lô vào trong một góc.

Chị kể, một lần đón một vị khách Việt kiều từ Pháp về. Lần đó, thành công ngay trên bè. Khách từ TPHCM xuống, đến bến đò Cô Bắc của chị Bé rồi lênh đênh trên sông Hậu hiền hoa đến bè cá Bảy Bon. Tại đây, qua trò chuyện, vị khách ấy cảm nhận được sự chân chất của vợ chồng chủ bè. Sau đó xuống ghe đi vào rạch, vị khách thấy đau nhói trong tim khi nhìn từng rận bần, khúc cua mà nhớ về gia đình cũng ở Sài Gòn nhưng vùng ngoại thành, vùng sâu cũng với những con sông chằng chịt như thế này.

Tiếp đến vị này đi đến nhà chị Bảy Muôn gặp ngay lời chào: “Í chèn ơi mới qua đó hả. Chị đói bụng chưa, em dọn chén ra ăn cơm nghen” tự dưng cô ấy như hoàn toàn “mất kiểm soát”. Vị khách tự khám phá, hai bên chào hỏi, sau đó đi thăm hết các nhà. Đáng lẽ 16 giờ chiều về lại TPHCM nhưng mãi đến chạng tối mới về với nét mặt rạng ngời.

Kể về trường hợp khác là trong lần nọ, chị ruột tên Đẹp qua cồn chơi, khi ấy được anh Tâm lấy ghe lớn có tiếng máy dầu nổ hình hịch. Chị Đẹp nhớ những năm 1990 tiếng đò 5 giờ sáng từ nhà đi chợ ra Vị Thanh, cũng tiếng đò đó được ngồi nghe tiếng kêu tí tách. Chị bảo: “Sao mày lại bán ký ức của tao, bán ngày xưa của tao như vậy, bản thân muốn lấy ký ức đó”, chị Bé Bảy kể.

Chắc góp những ký ức tuổi thơ, những chiếc đò ngang dọc, bãi lục bình đầy hoa tím hay những chiếc ghe chèo, xuồng máy đơn sơ; Những lời chào mời đơn giản, cách sống xởi lởi, chan hòa, những câu từ mộc mạc, cách ăn mặc giản dị của những thập niên về trước.

Tất cả dữ liệu vô hình đó được nghệ nhân Bé Bảy trân trọng, phát huy và hướng dẫn người dân rồi biến nó thành sản phẩm du lịch hữu hình để bán cho khách. Đồng thời, giúp cho cồn Sơn từ vô tri vô giác có được nét đẹp rất riêng, nét đẹp tâm hồn của con người Nam bộ mà ít nơi nào có được.

Khách du lịch trải nghiệm Massage cá Koi trên sông Hậu

Ở đồng bằng sông nước mênh mông, ở một nơi đầu sóng ngọn gió như cồn Sơn thế này thật ra chẳng còn bao nhiêu. Sao họ có tính cách như thế là vì sống biệt lập nên người này giúp người kia. Điển hình như ông Tâm vườn ổi, tát mương bắt cá phục vụ khách thì chị Thuỷ tiếp ông. Khi ông xong, ông sang nhà chị Năm Phước chạy bàn phụ hay chị Thủy có việc cần thì anh Tâm đến phụ lại. Chị hai Thuỷ, anh Tâm không phải chị em ruột nhưng họ hợp tác với nhau nhịp nhàng.

Ví dụ, chị này may áo bà ba, phục vụ dịch vụ tác mương, có khách thì áo ba ba mới chạy. Hai người phối hợp với nhau lâu như thế mà chưa có xích mích gì. Hay bữa cơm “rà” các gia đình trên cồn như Bảy Bon, Năm Minh, Chị Hiền, anh Phúc, chị Chính Nhỏ, chị Thúy… họ ngồi với nhau cùng san sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Với cồn Sơn, tuy các món ăn đều riêng nhưng mà chung, bởi đó là sự thương mến, đoàn kết được sắp xếp một cách có chọn lọc. Bà con nơi đây mong muốn cái kỉ niệm đẹp ở những nụ cười thật, chất lượng thật, nhớ thật và yêu mến miền sông nước; từ cái bánh dân gian do du khách tự làm, đến trái cây tự hái. Những hình ảnh mà du khách khi đã đến cồn là nhớ, nhớ ngay nó là cồn Sơn mặc cho dù cả đồng bằng sông nước miền Tây rộng lớn với cả nghìn cồn lớn, nhỏ gần như giống nhau nhưng vẫn không lẫn đi đâu được. Đến nỗi, một khách du lịch phương xa đã thốt lên rằng: “Ở đây, tôi thật sự hiểu trọn văn minh miệt vườn là như thế nào! Hơn nữa, tiền chỉ là thứ phụ phục vụ con người và khi đến đây thì nó trở về đúng bản chất của nó”.

Cô gái cồn Sơn làm hướng dẫn viên du lịch

Theo Soạn giả Nhâm Hùng – Nhà nghiên cứu Văn hóa Nam bộ, sản phẩm ở Cồn Sơn là kết quả của quá trình liên kết gắn bó trên tinh thần tình làng nghĩa xóm của nhiều hộ dân. “Họ cùng nhau gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, văn minh miệt vườn sông nước”, soạn giả nhận xét.

Cồn Sơn tiêu biểu cho hệ sinh thái đặc trưng của sông Hậu nên bằng mọi cách phải bảo tồn, giữ cho bằng được đất và người. Ngoài ra, ngay cả người dân trên cồn làm du lịch cũng không nên can thiệp bằng bê tông hóa trên các con đường hay lối vào nhà. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, chốt lại: “Chính sự hoang dã, bùn lầy ở các con đường và những chiếc cầu tre đã tạo nên một Cồn Sơn giàu sức sống, thân thiện và chứa chan tình người”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *