Cửa hàng Đặc sản Miền Tây của vợ chồng nhà báo

Cửa hàng Đặc sản Miền Tây của vợ chồng nhà báo

Ngày 1/1/2022, vợ chồng nhà báo Trương Hòa Hội khai trương cửa hàng Đặc sản Miền Tây quê tôi Hòa Hội chuyên bán sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp và sản phẩm OCOP, là một trong những cửa hàng chuyên sản phẩm này ở ĐBSCL.

Vợ chồng Hòa Hội (giữa) và các nhà báo trong ngày khai trương

Sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp mấy năm qua nở rộ theo phong trào khởi nghiệp khắp các vùng quê, tuy nhiên, rất khó phát triển vì nan giải con đường đi ra thị trường và mở rộng. Hòa Hội là phóng viên báo Tiền Phong ở Văn phòng đại diện ĐBSCL, miệt mài ủng hộ thanh niên khởi nghiệp nên thấu hiểu, trăn trở, đã cùng vợ hỗ trợ bằng cửa hàng mở tại nhà (số 48 đường D33 Khu dân cư Hồng Loan, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Vợ của Hòa Hội là phóng viên ở Đài PT&TH thành phố Cần Thơ.

Căn nhà nhỏ trong khu dân cư được thuê chuyên gia thiết kế bảng hiệu, kệ trưng bày đàng hoàng. Các chuyên gia phân tích, bán đặc sản thời nay phải sang trọng. Địa diểm có thể không cần bên đường lớn, phố xá sầm uất bởi khai thác mạng xã hội để tiếp thị nhưng kệ hàng, bảo quản, bao gói phải theo tiêu chuẩn hiện đại.

Một đoàn khách từ Hà Nội đến cửa hàng

Hòa Hội tâm sự, cửa hàng nhỏ nên bày không được nhiều sản phẩm, vốn có hạn nên cũng không thể lấy nhiều, mà chú trọng kết nối với các cơ sở sản xuất của thanh niên khởi nghiệp và sản phẩm OCOP để khi có nhu cầu, chuyển sản phẩm từ cơ sở sản xuất thẳng đến khách hàng. Sản phẩm OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là One commune one product), chương trình mỗi xã (phường) một sản phẩm, hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở nông thôn. Các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp và sản phẩm OCOP có nhiều, Hòa Hội chọn ở từng cơ sở những sản phẩm thị trường có nhu cầu và nhất là “sản phẩm có thương hiệu để cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về chất lượng”.

Hòa Hội tính toán khá lâu nhưng mãi chưa thấy mở cửa hàng. Tôi hỏi thì Hòa Hội cho biết, đang thiết kế logo cửa hàng và làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được bảo hộ. Hòa Hội cũng tập trung xây dựng mối liên hệ với các cơ sở sản xuất, tổ chức phương thức đặt hàng, giao hàng qua mạng. Ở lĩnh vực này, Hòa Hội có người em trai giỏi kỹ thuật số đứng ra lo liệu.

Tinh dầu “Hương Đồng Tháp”

Ngày khai trương, nhiều nhà báo có mặt. Đây là cửa hàng đặc sản ĐBSCL đầu tiên do nhà báo mở ra, bằng phương pháp khá hiện đại, theo kịp trào lưu kinh doanh thời kỹ thuật số nên được nhiều nhà báo quan tâm. Cửa hàng nhỏ khá sung túc, tôi hỏi Hòa Hội “sản phẩm chủ lực là gì?”. Hòa Hội trả lời ngay: “Gạo và nước mắm”.

Đương nhiên không thể thiếu Gạo ST25 lừng danh. Hòa Hội giới thiệu: “Gạo ST25 được truy xuất từ vùng nguyên chủng, trồng theo quy trình công nghệ sinh học lúa hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu. Giá hiện thời một túi 5kg bán 160.000 đồng”. Bên cạnh còn một số loại gạo sạch của doanh nghiệp uy tín ở Cần Thơ và gạo lúa mùa. Còn nước mắm, có nước mắm Khải Hoàn làm từ cá cơm than Phú Quốc và muối biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Hòa Hội giới thiệu: “Nước mắm ủ chượp hoàn toàn tự nhiên trong thùng gỗ bời lời thiên nhiên từ 12 – 15 tháng theo phương pháp truyền thống, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP từ khâu đánh bắt đến thành phẩm. Đây là sản phẩm có lịch sử hình thành hơn 200 năm, được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trong nước và 28 nước Liên minh Châu Âu. Nước mắm Khải Hoàn 40 độ đạm, cặp 2 chai 520ml giá 180.000 đồng”.

Nước mắm nhỉ cá Linh

Còn có nhiều loại nước mắm cá đồng, như nước mắm nhỉ cá Linh, đặc sản Đồng Tháp Mười, sản phẩm khởi nghiệp của cô Lương Thị Bích Tuyền. Cô Bích Tuyền là thủ lĩnh Đoàn thanh niên ấp 1, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, làm nước mắm giỏi nên có biệt danh “Hotgirl nước mắm”. Hòa Hội cũng thẳng thắn giới thiệu: “Nước mắm nhỉ cá Linh Bích Tuyền có mùi vị thơm nồng, màu cánh gián tự nhiên, nhiều dưỡng chất. Chai sành 750ml giá 135.000 đồng, hộp 2 chai 1000ml giá 221.000 đồng”.

Có thể mua được nhiều đặc sản nổi tiếng của ĐBSCL qua cửa hàng: cá thát lát Hậu Giang từ sản phẩm cá rút xương, chả đến bánh phồng. Dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh) với sữa chua, sinh tố, dừa sợi hoặc nguyên trái. Bánh phồng sữa và kẹo dừa Bến Tre. Bánh tét nhân chuối, đậu mỡ, thịt heo ba rọi được hút chân không, để được cả tuần.

Bởi vợ chồng Hòa Hội chú trọng sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp nên dễ dàng bắt gặp sức sáng tạo đa dạng của thanh niên ĐBSCL. Chẳng hạn tinh dầu nguyên chất mang tên “Hương Đồng Tháp” của cô Đoàn Ngọc Minh Thùy, chuyên ngành sinh học ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Ở vùng trái cây ĐBSCL cứ vào mùa là có hàng tấn trái cam, quýt, bưởi non bị lặt tỉa, bỏ đi; cây sả thì nông dân chỉ thu hoạch tép mà bỏ lá. Thế là cô gái trẻ Đoàn Ngọc Minh Thùy nghiên cứu, chiết xuất từ những phụ phẩm trên thành hương thơm, tinh dầu phục vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Minh Thùy cho biết: “Phụ phẩm đó tôi mua về chưng cất thành hương liệu, vừa giúp bà con nông dân có thêm thu nhập vừa quảng bá sản vật quê hương Đồng Tháp”.

Từ cửa hàng mở tại nhà, chỉ thời gian ngắn, vợ chồng Hòa Hội đã mở thêm Chi nhánh Hậu Giang ở Trung tâm thương mại Cầu Trắng, đường số 8, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Chú trọng kinh doanh qua mạng nên Hòa Hội cũng giới thiệu cơ sở ở Cần Thơ có Hotline: 0939 25 44 79 (zalo), Bản đồ hướng dẫn đường đi://maps.app.goo.gl/MkKR6JiEmf5RV6xq8còn Chi nhánh Hậu Giang có Hotline: 0939 90 08 39, Bản đồ hướng dẫn đường đi://maps.app.goo.gl/hbp31Bzmjc3tvhH89

Facebookfb.com/hoahoidacsanmientayvà Website://hoahoidacsanmientay.vn

Hòa Hội nói thêm, Website do em trai thiết kế và được đăng ký đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

SÁU NGHỆ

Nguồn: //anhsangvacuocsong.vn/cua-hang-dac-san-mien-tay-cua-vo-chong-nha-bao/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *