Khách Tây đón Tết ở cồn

Dịp Tết hằng năm, trong lòng người dân cồn Sơn luôn rộn ràng, háo hức chờ đợi đón mùa xuân vui tươi hạnh phúc. Hiện nay, cồn Sơn (TP Cần Thơ) lại thêm tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền. Với người cồn Sơn, nét truyền thống, nghĩa tình và gắn bó luôn được người dân đặt lên hàng đầu.

Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2025, tuy nhiên thời điểm này trong lòng tôi nôn nao, bồi hồi, mong cho Tết đến sớm để có dịp sang cồn Sơn thăm bà con. Nhất là mấy ngày nay, mạng xã hội xôn xao câu chuyện “Qua cồn ăn đám giỗ” trong clip của TikToker Lê Tuấn Khang. Chỉ cụm từ “Qua cồn ăn đám giỗ” đã tạo thành trend thu hút sự quan tâm của hàng triệu bạn trẻ trên mạng xã hội.

Khách quốc tế tham quan cồn Sơn

Nhớ lại buổi chiều muộn gần cuối năm 2018, nhóm khách du lịch quốc tế gần chục người đi bộ tham quan cồn Sơn. Bà Christopher Gray người Australia lần đầu đến cồn cảm thấy thích thú khi trải nghiệm làm bánh kẹp tại nhà dân. Bà Christopher tươi cười nói: “Mọi người ở đây gần gũi, không gian yên tĩnh và thiên nhiên thanh bình. Tôi cảm thấy rất thú vị khi đặt chân đến đây và chuyến đi này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng”. Còn ông Rosmane Gray cùng đến từ Australia cũng nhận xét, ở đây yên tĩnh, mọi người sống không vội vã, còn những khu vực khác ồn ào, đặc biệt nhiều du khách sẽ làm không còn thú vị như thế này.

Anh Weslay du khách từ Mỹ lần đến cồn Sơn du lịch cảm thấy bất ngờ về vẻ đẹp hoang sơ cũng như sự thân thiện của người dân. Anh cho biết, đối với những khu du lịch được đầu tư hoành tráng với nhiều tiện ích nhưng bản thân lại thích thú với du lịch ở cồn này bởi có nhiều sự trải nghiệm và cảm nhận được sự thân thiện và chân tình của người dân nơi đây. “Hiếm có nơi nào trên thế giới mà giữ được vẻ đẹp hoang sơ và con người thân thiện, mến khách như ở đây”, anh Weslay chia sẻ.

Các bạn trẻ là hướng dẫn viên bản địa trên cồn Sơn

Chị Năm Phước – chủ nhà vườn Song Khánh – dáng người gầy nhom nhưng lúc nào cũng vui vẻ, lanh lẹ. Còn hơn tháng nữa mới đến Tết nhưng bây giờ chị đã trồng các loại hoa quanh nhà. “Tôi để dành buồng chuối xiêm sau vườn để ít hôm nữa chín rồi ép phơi khô dành Tết đãi khách. Bây giờ tuy không còn quết bánh phồng nhưng bà con vẫn đón Tết sôi nổi, ấm áp và nghĩa tình”, chị Năm Phước bộc bạch.

Những đứa trẻ mong mặc bộ đồ mới để khoe khắp chòm trên xóm dưới, còn người lớn có dịp đi chúc tụng nhau, gặp gỡ nâng ly rượu vui vẻ sau một năm lao động mệt nhọc. Dẫu bây giờ Tết không còn như xưa nhưng trong thẳm sâu lòng người cồn Sơn vẫn chứa đựng bao kỷ niệm khó quên trong ký ức của mỗi người.

Chị Năm Phước (đi trước) dầm mưa đi học Tiếng Anh vào buổi tối trên cồn.

Theo chị Năm Phước, bây giờ làm du lịch, bận rộn nhiều và lúc nào cũng luôn giữ nét truyền thống của ông bà. Chị kể, hằng năm cứ đến 28 – 29 Tết, có nhiều khách du lịch nước ngoài đến đây tận hưởng và trải nghiệm không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. “Nhà tôi trước giờ có sau làm vậy, mâm cơm không thể nào thiếu món khổ qua cúng ông bà rồi mang xuống đãi khách với mong muốn năm cũ qua đi để đón năm mới làm ăn phát đạt. Đó là điều mà tụi tôi giới thiệu với khách để họ hiểu thêm văn hóa của mình”, chị nói rồi tiếp lời: “Không chỉ món khổ qua, mà Tết người dân ở đây còn có tục cho “cây ăn tết”, bằng cách lấy giấy vàng bạc dán lên khắp các cây trên đường, quanh nhà thậm chí dán lên các lu, kiệu vì nghĩ rằng, mình đón Tết thì mọi vật xung quanh mình cũng sẽ đón Tết. Cũng chính từ đó, khi khách nước ngoài đến họ ngạc nhiên rồi trầm trồ khen”, chị Năm Phước nói.

Người dân ở cồn Sơn di chuyển bằng ghe trên sông.

Ông Nguyễn Thành Tâm là người làm dịch vụ cá lóc bay ở cồn Sơn. Ông kể, những năm trước và sau giải phóng, ở cồn này là cánh đồng hoang, toàn rừng lau sậy, cá tôm nhiều vô số. Đến tháng Chạp, khoảng 24 – 25 Tết là các gia đình trong xóm lại rủ nhau tát ao. Ông Tâm kể rằng, mùa tát ao cả xóm đông vui như hội từ già trẻ, bé lớn đều tham gia, có khi bắt đến cả đêm mới xong. Những đứa trẻ mặt mày dính lem bùn đất, lội lún muốn ngập đầu nhưng khi bắt được con cá lóc to là mừng lắm, reo hò rộn rã.

YẾN NGỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *